Bảo hiểm xã hội và Công ty cổ phần FPT tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai Phần mềm 3S quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH vào ngày 27/6.

Chủ trì hội nghị là phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh. Ngoài ra còn có ông Dương Dũng Triều- Phó Tổng giám đốc FPT; đại diện lãnh đạo một số Vụ, Ban, đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh và TP.Hồ Chí Minh…

Đột phá trong hoạt động quản lý
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh đánh giá: Không đơn giản chỉ là một phần mềm nghiệp vụ, 3S là một cuộc “cách mạng” đối với BHXH Việt Nam. Đây là một sản phẩm chung của BHXH Việt Nam với FPT để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ đặc thù của Ngành.
Trên thực tế, trong thời gian triển khai xây dựng phần mềm 3S, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ 1/1/2015 và Luật BHXH (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/1/2016. Do đó, phần mềm 3S đã phải liên tục lập trình, thiết kế, điều chỉnh lại nhiều chức năng có liên quan, dẫn đến thời gian triển khai 3S kéo dài. Tuy vậy, đến nay kết quả quan trọng nhất của quá trình triển khai thực tế tại Nghệ An (tháng 3/2015) và Hà Tĩnh (5/2015) là chúng ta đã có dữ liệu làm cơ sở cấp mã số định danh. Hội nghị lần này là dịp để nhà thầu cũng như các đơn vị triển khai phần mềm cùng chia sẻ khó khăn, rút ra các bài học để triển khai tiếp trong thời gian tới.
Theo Ban quản lý Dự án Phần mềm nghiệp vụ (BHXH Việt Nam), nội dung tin học hóa mà phần mềm 3S phải thực hiện là rất rộng lớn và phức tạp, có liên quan đến hầu hết các hoạt động tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp của ngành BHXH. Bao quát từ tiếp nhận và quản lý đối tượng tham, đến quản lý quá trình đóng, quá trình ban hành quyết định và tổ chức chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng thụ hưởng, trong đó bao gồm cả nghiệp vụ quản lý tài chính đối với các quĩ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc Ban Quản lý Dự án phần mềm nghiệp vụ phân tích: Tại thời điểm năm 2010, tất cả các cơ quan BHXH huyện, tỉnh đều triển khai 7 phần mềm nghiệp vụ sau: Quản lý thu; Quản lý sổ-thẻ; Xét duyệt chế độ BHXH; Chi trả ngắn hạn; Chi trả dài hạn; Thống kê viện phí; Kế toán. Tuy 7 phần mềm nêu trên đã hỗ trợ rất có hiệu quả việc tổ chức thực hiện Chương trình BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhưng theo thời gian 7, phần mềm này trên đã bộc lộ một số bất cập điển hình. Cụ thể như việc quản lý phân tán số liệu tại các BHXH cấp huyện; vẫn sử dụng giải pháp thủ công trong trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm dựa (giải pháp gửi/nhận file dữ liệu) tạo ra độ trễ về thời gian giải quyết do phần mềm này phải chờ số liệu từ phần mềm kia mới có thể tiếp tục giải quyết được. Đồng thời, công tác tổng hợp thông tin của cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trung ương cũng khó khăn, thiếu tính chính xác và kịp thời.
Đặc biệt, do chưa sử dụng giải pháp số định danh (ID) để định danh cá nhân, tổ chức trong các cơ sở dự liệu nên việc quản lý trùng lắp đối tượng đã xảy ra như: Một đối tượng có thể có nhiều sổ BHXH, nhiều thẻ BHYT, tạo kẽ hở cho các hành vi trục lợi. Bên cạnh đó, nhiều thông tin danh mục giống nhau (ví dụ như: danh mục các tổ chức, danh mục địa bàn hành chính, danh mục nghề nghiệp, danh mục thuốc, danh mục vật tư y tế...) được quản lý độc lập tại mỗi phần mềm, không chỉ tạo ra sự dư thừa thông tin mà còn tạo ra sự thiếu nhất quán về thông tin danh mục giữa các phần mềm, qua đó việc tích hợp, tổng hợp dữ liệu sẽ khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu giám định chi tiết, ví dụ như kiểm soát danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật, đối chiếu với danh mục được duyệt, giá quy định; kiểm soát tính hợp lý của chỉ định...

Phiên bản triển khai đầu tiên của phần mềm 3S cấp tỉnh được triển khai tại BHXH Nghệ An vào tháng 3/2015 và chính thức đưa vào sử dụng từ 1/2016. Còn tại Hà Tĩnh, 3S khởi động từ tháng 5/2015 và chính thức sử dụng vào tháng 4/2016. Tiếp đến, từ tháng 1/2016, phần mềm 3S bắt đầu triển khai tại BHXH TP.Hồ Chí Minh. Tới ngày 26/4/2016, TP.Hồ Chí Minh đã được chốt số liệu để chuẩn hóa, bổ sung và chuyển đổi. Dự kiến đến 25/6/2015 sẽ chuyển đổi xong để chuyển sang đối chiếu dữ liệu giữa 2 hệ thống (và chuyển đổi bổ sung dữ liệu). Đến ngày 25/7/2016 sẽ bắt đầu sử dụng chính thức 3S tại 1 số đơn vị quận, huyện và đến cuối tháng 8/2016 phần mềm 3S sẽ được sử dụng trong toàn thành phố.

Nhận diện những bất cập này, ngày 29/10/2010, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã phê duyệt Quyết định số 1528/QĐ-BHXH về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam”. Sản phẩm của dự án này là Phần mềm 3S do đối tác là Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT (FIS) thực hiện.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là 3S sẽ thay thế hoàn toàn cho 7 phần mềm nghiệp vụ hiện tại. Cụ thể, 3S sẽ bao gồm 2 phân hệ (phần mềm 3S cấp tỉnh và 3S cấp trung ương) đảm nhiệm việc quản lý dữ liệu nghiệp vụ theo quy mô khác nhau, hợp nhất toàn bộ hệ thống dữ liệu nghiệp vụ về một cơ sở dữ liệu duy nhất. Các phần mềm 3S cấp tỉnh định kỳ tự động tạo các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu của mình và sau đó nạp vào cơ sở dữ liệu tổng hợp toàn quốc. Từ đó triển khai giải pháp cấp số định danh cho đối tượng tham gia và các tổ chức để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng, loại bỏ sự trùng đối tượng trong toàn hệ thống BHXH.

Quyết liệt triển khai
Cho đến thời điểm hiện nay, dự án đã đạt được một số kết quả chính như sau: Phần mềm 3S cấp tỉnh về cơ bản đã hoàn thành các tính năng quản lý nghiệp vụ như quản lý đối tượng, quản lý sổ thẻ, giải quyết chế độ, kế toán chi trả, lập báo cáo và gửi lên Trung ương.
Phần mềm 3S cấp tỉnh cũng đã liên kết với Phần mềm 3S cấp Trung ương để thực hiện một số dịch vụ số liệu (Xin cấp số định danh cho đối tượng mới tham gia; đồng bộ dữ liệu về đối tượng tham gia và quá trình đóng, hưởng của đối tượng với cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tập trung của toàn Ngành; Định kỳ chốt và chuyển các số liệu về cơ sở dữ liệu thông tin tổng hợp của toàn Ngành; Nhận về các thông tin bổ sung, thay đổi về danh mục dùng chung của Ngành để thống nhất quản lý trong toàn Ngành).
Đối với phân hệ 3S cấp Trung ương, hiện đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành về quản lý đối tượng; Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tổng hợp toàn Ngành về số liệu thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... theo hệ thống các chỉ tiêu báo cáo, chỉ tiêu thống kê; Xây dựng được Dịch vụ tra cứu của toàn Ngành trên mạng Internet về quá trình đóng, quá trình hưởng BHXH, BHYT của từng đối tượng; Xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành về hệ thống các danh mục dùng chung của Ngành, hiện tại đang quản lý khoảng 132 danh mục (danh mục Nguồn đóng; danh mục Lương tối thiểu; danh mục Vùng địa bàn; danh mục Thang bảng lương, phụ cấp; danh mục Điều kiện hưởng; danh mục Cơ sở KCB; danh mục dịch vụ kỹ thuật; danh mục dược và vật tư y tế…).
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội nghị, với góc độ của 2 địa phương đang triển khai phần mềm, ông Lê Trường Giang- Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An và ông Hoàng Văn Minh- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc của 3S cần được sửa đổi phù hợp với thực tế. Đó là, các báo cáo trên phần mềm mới đáp ứng được 60% số lượng báo cáo theo quy định; số liệu nhập đuổi về nghiệp vụ thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên phần mềm 3S hiện đang lệch với số liệu thực tế; Nhà thầu chưa có phương án hướng dẫn cụ thể đến người sử dụng khi có các tình huống phát sinh… BHXH các địa phương cũng cần sự quan tâm từ các Ban nghiệp vụ liên quan và Trung tâm Công nghệ thông tin trong việc giải quyết vướng mắc về chính sách cũ và mới, có giải pháp cụ thể trong việc phối hợp với nhà thầu FIS hỗ trợ địa phương trên phần mềm 3S… “Tại thời điểm bắt đầu triển khai, nhà thầu chưa đánh giá được đúng khả năng xử lý nghiệp vụ theo quy định thực tế tại địa phương nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến phải mất thêm thời gian để hoàn thiện phần mềm 3S theo các tình huống nghiệp vụ đặc thù”- ông Giang cho biết.
Chia sẻ nhận định này, đại diện cho nhà thầu, ông Dương Dũng Triều cũng thừa nhận: Khảo sát của FPT cho thấy Việt Nam có hệ thống nghiệp vụ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phức tạp so với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh nỗ lực trong quá trình triển khai, hoàn thiện phần mềm, FIS cũng rất cần sự hợp tác chặt chẽ của cơ quan BHXH để tháo gỡ vướng mắc. Dự kiến đến hết tháng 9/2016, phần mềm 3S sẽ triển khai xong tại Trung ương. Toàn bộ dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 12/2016.

Mặc dù vậy đại diện lãnh đạo 2 địa phương bày tỏ quyết tâm: Nếu không quyết liệt triển khai thành công 3S thì chúng ta không có cơ hội nào để làm nữa. Với tác động và ý nghĩa lớn của phần mềm này đối với hoạt động nghiệp vụ của toàn ngành BHXH, quyết tâm này phải được hiện thực hóa và triển khai thành công.

Phó Tổng Giám đốc đề nghị các Vụ, các Ban liên quan như Thu, Sổ thẻ, Kế hoạch- Đầu tư, Trung tâm CNTT..., tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong thời gian tới, kể cả các giải pháp đặc thù phù hợp với điều kiện từng địa phương mà không vi phạm các quy định mang tính nguyên tắc. “3S là một sản phẩm trí tuệ của cả ngành BHXH chứ không phải nhà thầu. Phần mềm mang ý nghĩa lớn đồng thời phạm vi xử lý cũng rất phức tạp. Do đó, những người "tiên phong" cũng là những người vất vả nhất. BHXH Việt Nam sẽ có những đánh giá khách quan, khen thưởng, động viên kịp thời những đóng góp của CBCCVC trong quá trình thực hiện.


Phát biểu kết luận hội nghị, nhấn mạnh yếu tố quan trọng cho sự thành công của dự án là công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH với nhà thầu và giữa cả các đơn vị trong Ngành, Phó Tổng giám đốc Đỗ Văn Sinh khẳng định: Bài học quan trọng nhất là các đơn vị cần thống nhất, tiêp tục gắn kết tốt hơn trong thời gian tới để phần mềm ngày càng hoàn thiện.

 (theo báo BHXH)


THỰC HIỆN CUỘC “CÁCH MẠNG” TRIỂN KHAI PHẦN MỀM 3S VỀ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ NGÀNH BẢO HIỂM XÃ HỘI

Nhãn:

Đăng nhận xét

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

chukysogiare86. Được tạo bởi Blogger.